Ngủ ngáy có thể xảy ra do những nguyên nhân thông thường như béo phì, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và thở bằng miệng. Tuy nhiên bệnh cũng có thể là dấu hiệu của viêm mũi dị ứng, viêm amidan quá phát, phì đại VA và bất thường ở cấu trúc mũi – xoang. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn làm tăng huyết áp, giảm oxy lên não và tăng nguy cơ đột quỵ.
Vậy ngủ ngáy là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục chứng ngủ ngáy như thế nào? Mời bạn đọc hãy cùng với Kiến thức cần biết tìm hiểu nhé!
1. Ngủ ngáy là gì?
Ngủ ngáy là tình trạng phát ra âm thanh trong quá trình ngủ. Ngáy khi ngủ có thể xuất hiện ở cả nam giới, nữ giới, người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Cơ chế gây ngáy được xác định là do không khí đi vào vùng họng hẹp phía sau, tạo ra ma sát khiến các mô ở niêm mạc rung lên và phát ra âm thanh.
2. Nguyên nhân gây ngủ ngáy thường gặp
Ngủ ngáy có thể xảy ra do những nguyên nhân thường gặp như:
- Béo phì: Béo phì là nguyên nhân gây ngủ ngáy ở nam giới vì lượng mỡ thường tập trung nhiều ở vùng cổ. Sự gia tăng mô mỡ ở vùng cổ có thể gây chèn ép đường thở, làm gián đoạn quá trình hô hấp và tạo ra âm thanh khi ngủ.
- Do tư thế ngủ: Các chuyên gia cho biết, nằm ngửa là tư thế gây áp lực lên đường hô hấp trên và có khả năng gây ngáy cao hơn so với những tư thế khác.
- Mở miệng khi ngủ: Thói quen mở miệng khi ngủ có thể khiến không khí đi vào thành sau họng, gây rung lắc mô mềm và tạo ra tiếng “ngáy”. Ngoài ra thói quen này còn tăng nguy cơ hôi miệng, sâu răng và các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan,…
- Uống nhiều rượu bia: Rượu bia có thể làm giãn cơ ở thành sau họng và gây ra hiện tượng ngáy.
- Tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng thuốc kháng histamine H1 và thuốc an thần có thể gây ra một số tác dụng phụ như giảm mức độ tập trung, buồn ngủ và ngủ ngáy.
- Hút thuốc lá: Người có thói quen hút thuốc lá thường có nguy cơ ngủ ngáy cao hơn 2 lần so với người bình thường. Nguyên nhân là do khói thuốc gây sưng viêm ở niêm mạc họng, khoang mũi và khiến không gian trong đường thở bị thu hẹp. Tình trạng này có thể gây ra triệu chứng thở khò khè, khó thở và ngủ ngáy.
- Do làm việc quá sức: Lao động nặng nhọc và quá sức có thể khiến bạn ngáy khi ngủ.
- Lớn tuổi: được xem là một yếu tố làm xuất hiện tiếng ngáy. Càng lớn tuổi, trương lực cơ càng yếu đi. Điều này dẫn đến các mô mềm được thả lỏng, gây hẹp đường thở dẫn đến ngáy.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân gây hẹp đường thở khác cũng dẫn đến hiện tượng ngáy ngủ bao gồm: polyp mũi, phẫu thuật vùng mũi, biến dạng mũi như lệch vách ngăn, viêm mũi, viêm xoang,…
3. Ngủ ngáy có nguy hiểm hay không?
- Ngáy ngủ có thể là dấu hiệu gợi ý chứng ngưng thở khi ngủ. Đó là tình trạng gián đoạn hô hấp thường xuyên khi ngủ do sự tắc nghẽn đường thở, kéo dài nhiều giây, thậm chí vài phút, gây thức giấc và thiếu oxy khi ngủ.
- Hơn thế, nếu ngưng thở nghiêm trọng, sẽ liên quan đến các vấn đề tim mạch. Ví dụ tăng huyết áp, nguy cơ nhồi máu cơ tim…
- Ngoài ra trẻ nhỏ bị ngủ ngáy còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như viêm amidan, viêm họng, viêm VA, viêm thanh quản,…
- Ngáy ngủ làm gián đoạn hô hấp gây thức giấc. Chúng dẫn đến tình trạng mất ngủ và mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến học tập và làm việc.
4. Làm cách nào để chữa ngủ ngáy hiệu quả?
Chữa ngáy ngủ có nhiều cách, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra:
- Giảm cân: Nếu một người thừa cân, giảm cân có thể giúp họ giảm ngáy ngủ. Khi lượng mỡ cơ thể giảm đi thì lượng mỡ thừa ở cổ và quanh đường thở cũng giảm, do đó việc hít thở sẽ dễ dàng hơn khi ngủ. Việc giảm cân cũng cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ.
- Hạn chế uống rượu: hạn chế rượu là biện pháp tốt để cải thiện ngáy ngủ. Tuy nhiên, nếu người bệnh vẫn còn sử dụng rượu thì nên uống cách thời gian đi ngủ ít nhất 3 giờ.
- Không hút thuốc: có nhiều lý do để khẳng định rằng không hút thuốc là lựa chọn thông minh. Ngưng tiếp xúc khói thuốc giúp cải thiện tình trạng tắc nghẽn đường thở và giảm đàm nhớt, từ đó giúp khí lưu thông dễ dàng.
- Thông thoáng đường thở: nếu người bệnh đang mắc phải tình trạng viêm mũi, họ nên dùng thuốc xịt mũi để cải thiện tình trạng tiết đàm nhày. Từ đó cải thiện tình trạng ngáy ngủ.
- Thay đổi tư thế ngủ: nằm ngửa có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ngáy, nếu có thể, người bệnh nên thử thay đổi tư thế sang nằm nghiêng.
- Tránh thở bằng miệng: Nếu bạn có thói quen thở bằng miệng, nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ để cải thiện tình trạng này. Bởi thói quen này không chỉ gây ngủ ngáy mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan hô hấp.
- Uống nhiều nước:Thiếu nước có thể làm chất tiết trong mũi (nước mũi) và vòm họng của bạn trở nên mềm và dính hơn. Điều này làm tăng khả năng ngáy khi ngủ. Do đó, uống đủ nước, khoảng 8 – 10 cốc nước mỗi ngày để tránh trường hợp ngáy ngủ. Trong một số trường hợp, nam giới có thể cần uống 16 cốc nước mỗi ngày để bổ sung lượng nước cần thiết.
- Phẫu thuật: áp dụng cho các trường hợp ngáy ngủ do nguyên nhân về giải phẫu. Ví dụ: polyp mũi, lệch vách ngăn mũi,… Hạn chế sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ khi không thật sự cần thiết.
Ngủ ngáy có nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó cần được xem xét một cách thận trọng. Cách chữa trị hiệu quả nhất chính là phối hợp cùng các chuyên gia để tìm ra nguyên nhân chính xác và điều trị đúng đắn. Do vậy, khi gặp vấn đề sức khỏe liên quan để ngủ ngáy, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, và điều trị kịp thời.
Tổng hợp bởi: Kiến thức cần biết
https://kienthuccanbiet.com