[Kiến Thức Cần Biết] – Nấc cụt là triệu chứng thông thường hay xảy ra do sự co thắt ngoài ý muốn của cơ hoành nằm giữa ngực và bụng, giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc thở. Khi cơ hoành bị co thắt, dây âm thanh của bạn sẽ bị đóng lại rất nhanh. Chưa đến một giây sau – chính xác là 35 miligiây – khoảng trống giữa 2 dây thanh âm của bạn đột ngột đóng lại, và từ đó phát âm ra tiếng “nấc cụt”.
Nín thở để chữa nấc cụt có lẽ là phương pháp phổ biến mà ai cũng biết. Tuy nhiên, không phải lúc nào phương pháp này cũng có tác dụng bởi đôi khi sau đó, bạn lại bị nấc lại. Vậy còn những cách nào nữa để hô biến cơn nấc cụt này không?
Kiến Thức Cần Biết xin giới thiệu đến các bạn 13 cách chữa nấc cụt hiệu quả sau đây:
1. Bịt tai 20 – 30 giây
Bạn dùng 2 đầu ngón tay bịt chặt 2 lỗ tai trong vòng 20 – 30 giây. Điều này sẽ gửi tín hiệu “thư giãn” thông qua dây thần kinh lên não, kích thích dây thần kinh phế vị, giúp đẩy lùi cơn nấc cụt.
2. Uống nước
Nếu bị nấc cụt, bạn hãy tìm uống 1 ly nước. Tuy nhiên không phải bạn ngửa cổ dốc tu ực cái là xong đâu, mà bạn nên uống từ từ, từng ngụm nhỏ liên tục đồng thời nín thở trong khi uống.
Nín thở trong lúc uống nước làm cho lượng carbon dioxide trong máu tăng lên, giúp đẩy lùi cơn nấc cụt.
3. Thở vào 1 túi giấy
Hãy đặt một túi giấy nhỏ gần miệng và bịt chặt xung quanh. Sau đó, bạn hít sâu vào rồi thở ra vào trong túi giấy.
Cách thở vào túi giấy này được thực hiện dăm – 7 lần sẽ làm tăng lượng carbon dioxide trong máu, buộc cơ hoành tiếp xúc sâu hơn để có thêm oxy, giúp cơn nấc cụt biến mất.
4. Nuốt trọn 1 thìa đường/ bơ đậu phộng
Đường là một phương thuốc tự nhiên hiệu quả để chữa nấc cụt. Bạn nên cho 1 muỗng cà phê đường vào miệng rồi ngậm và nuốt dần.
Đường trong miệng có tác dụng giúp ổn định các xung động thần kinh, qua đó cơ hoành được ổn định, không còn co thắt liên tục do các xung kích thích, từ đó bạn không còn bị nấc nữa.
5. Lè lưỡi hết cỡ
Nghe có phần kì cục nhưng việc bạn đưa lưỡi ra ngoài có tác dụng lớn trong việc đánh bay nấc cụt. Đó là bởi việc đưa lưỡi ra ngoài hết cỡ sẽ tác dụng kích thích các dây thần kinh phế vị, làm giảm sự co thắt của cơ hoành, giúp nhanh chóng hết nấc.
6. Hít vào thật sâu, thật đầy rồi thở ra từ từ
Để sử dụng phương pháp này, bạn cần hít thật nhiều không khí, càng nhiều càng tốt. Đây được gọi là phương pháp “hít vào cực đại”.
Cụ thể, bạn hãy hít một hơi thật sâu, sau đó giữ trong 10 giây. Tiếp tục hít vào và giữ trong 5 giây mà không thở hơi cũ ra. Lần thứ ba, tiếp tục hít vào thêm nữa và giữ trong 5 giây mà không thở ra luồng hơi cũ. Lúc này, bạn sẽ từ từ thở ra trong khoảng 30 giây.
Việc bạn bị nấc cụt là do cơ hoành co lại, trong khi đây – lúc bạn thở sâu và giữ lâu sẽ làm căng cơ hoành và ngăn không cho nó co lại nữa. Khi cơ hoành ngừng hoạt động, nấc cụt cũng tự nhiên biến mất.
7. Tự làm mình sợ hãi
Mặc dù điều này có vẻ khó tin nhưng thực tế là phản ứng sợ hãi kích thích dây thần kinh gây nấc. Nếu những cách trên không thể làm cho bạn ngưng nấc cụt thì bạn có thể thử áp dụng cách này vì đã được nhiều người xác nhận là rất hiệu quả.
8. Ăn món gì đó chua
Một nghiên cứu cho thấy các hợp chất chua, giống như các hợp chất được tìm thấy trong giấm, làm giảm nấc cụt. Hãy thử ngậm một giọt hoặc muỗng cà phê giấm trên lưỡi.
9. Nín thở
Hãy thử nín thở trong khoảng thời gian ngắn và lặp lại sau mỗi 20 phút hoặc lâu hơn để dừng cơn nấc cụt.
10. Ngậm đá
Ngậm đá làm dịu các dây thần kinh bị kích thích. Hãy ngậm một cục đá lạnh trong miệng của bạn hoặc nhẹ nhàng chà xát nó lên mặt. Nhờ người khác bất ngờ chà đá lên mặt bạn cũng là một cách. Cảm giác lạnh bất ngờ sẽ khiến bạn ngừng nấc.
11. Massage vòm họng
Hãy sử dụng một quả bóng bông lăn chậm từ khu vực bề mặt hàm trên của bạn kéo xuống đến vùng họng để tạo ra phản xạ nôn. Nhờ đó sẽ nhanh chóng làm ngừng cơn nấc cụt của bạn.
12. Ấn mạnh vào lòng bàn tay
Sử dụng ngón tay cái của một tay để ấn vào lòng bàn tay kia, ấn càng mạnh càng tốt. Một cách nữa là dùng ngón cái và ngón trỏ của tay phải ấn mạnh, hoặc xoay đều ngón trỏ của tay trái. Cách này có thể khiến thấy khó chịu một chút, song sẽ giúp gây phân tâm, tác động đến hệ thần kinh và có thể giúp ngưng nấc cụt.
13. Ngồi chồm hổm
Ngồi chồm hổm (ngồi xổm) và tựa mạnh ngực trên hai đầu gối đến khi hết nấc cụt thì thôi.
Phòng tránh nấc cụt
Để ngăn ngừa cơn nấc, bạn nên ăn chậm, nhai kỹ, nuốt từ từ để làm giảm lượng khí đi vào dạ dày; Không ăn các gia vị cay, nóng. Hạn chế đồ uống có cồn và chất kích thích tạo sự khó chịu từ thực quản xuống dạ dày và trào lên thực quản, gây nấc. Nếu biện pháp cơ học không đỡ, nấc cụt vẫn kéo dài thì bạn cần đến bác sĩ khám tìm nguyên nhân gây nấc.
Gia Long – Kienthuccanbiet.com